• Trang Chủ              
  •      Phim hoạt hình

  • Vui Học Tiếng Anh       
  •        Kĩ năng sống

  •         Góc tư vấn

  • Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

    BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG LÀ GÌ?


    Tình trạng bạo lực trong trường học đã và đang diễn ra nóng bỏng trên khắp thế giới ở tất cả những cấp học, lớp học khác nhau. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh.
    Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD- ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau [3]... Bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều gia đình, các nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Bài viết này sẽ cung cấp cho chúng ta có cách nhìn thấu đáo hơn về bạo lực học đường là gì...

     KHÁI NIỆM "BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG"

    Trong quá trình nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những quan điểm khác nhau về khái niệm bạo lực học đường.
    Ở nước ngoài, bên cạnh thuật ngữ bạo lực học đường, người ta thường nói tới thuật ngữ bắt nạt học đường. Bắt nạt học đường cũng là một phần của bạo lực học đường và thậm chí nhiều lúc người ta còn đồng nhất giữa bắt nạt và bạo lực học đường.
    Dan Olweus,trong cuốn sách “Bắt nạt trong trường học, chúng ta biết gì và chúng ta có thể làm gì” đã đưa ra định nghĩa theo một cách chung nhất, bắt nạt trong trường học như một “hành vi tiêu cực được lặp đi lặp lại, có ý định xấu của một hoặc nhiều học sinh nhằm trực tiếp chống lại một học sinh, người có khó khăn trong việc tự bảo vệ bản thân”  [1].
    Milton Keynes (1989) định nghĩa: “Bắt nạt là một hành động lặp đi lặp lại một cách hiếu chiến để cố ý làm tổn thương về tinh thần hoặc thể xác cho người khác. Bắt nạt là đặc trưng của một cá nhân hành xử theo một cách nào đó để đạt được quyền lực trên người khác” [4].
    Một khái niệm khác cho rằng: bạo lực học đường là bất kỳ hình thức hoạt động bạo lực hoặc các hoạt động bên trong các cơ sở trường học. Nó bao gồm các hành vi bắt nạt, lạm dụng thân thể, lạm dụng bằng lời nói, ẩu đả, bắn,… Bắt nạt và lạm dụng vật chất là những hình thức phổ biến nhất của bạo lực có liên quan đến bạo lực học đường. Tuy nhiên, trường hợp cực đoan như bắn và giết người cũng đã được liệt kê như là bạo lực học đường [2].
    Mặc dù, cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa thống nhất trong giới nghiên cứu, tuy nhiên, với những định nghĩa như vậy chúng ta có thể hiểu: bạo lực học đường là những hành vi cố ý, sử dụng vũ lực hoặc quyền lực của học sinh hoặc giáo viên đối với những học sinh, giáo viên hoặc những người khác và ngược lại. Đó có thể là những hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục, bạo lực ngôn ngữ, những bắt ép về tài chính hoặc những hành vi khác có thể gây ra nhưng tổn thương về mặt tinh thần hoặc thể xác cho người bị hại.

    HẬU QUẢ TỪ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

    * Ảnh hưởng đến bản thân học sinh
    Cả nạn nhân lẫn kẻ thực hiện hành vi bạo lực đều có hậu quả không hayTrong nhiều vụ bạo lực được nói tới, không ít những vụ bạo lực đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác. Nhẹ nhàng có thể là những vết bầm tím nhưng cũng có thể là những thương tích nặng phải vào bệnh viện điều trị. Tồi tệ hơn khi không ít vụ bạo lực đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho học sinh và gia đình.
    Những đứa trẻ bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh làm thế nào để đối phó những kẻ bắt nạt có thể khiến trẻ bị stress. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành.
    Theo một số nghiên cứu ở Mỹ, những em bị bắt nạt thường bị cô lập nên không muốn đến trường vì bạn bè khác sẽ xa lánh do không muốn “cùng nhóm với kẻ đáng ghét” hoặc “cùng nhóm với kẻ yếu thế” để bản thân cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt. Tình trạng bị bắt nạt kéo dài, ngoài ảnh hưởng xấu đến học tập, còn có tác hại rất lớn đến sự phát triển của các em, cả về mặt xã hội lẫn cảm xúc [78]. Các em rất dễ bị trầm cảm và luôn có cảm giác thấp kém, những điều sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của các em ngay cả lúc đã trưởng thành.

    Kể cả những em chỉ chứng kiến chứ không tham gia hành vi bạo lực cũng bị ảnh hưởng. Chứng kiến những hành vi bạo lực khiến các em cảm thấy sợ hãi, và nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không hề bị trừng trị thì những em chứng kiến cũng có thể hùa theo số đông, ủng hộ hành vi này, và có nhiều khả năng trở thành kẻ có hành vi bạo lực trong tương lai. Những cuộc thăm dò ở Mỹ đã cho thấy rằng những em chứng kiến mà im lặng thì 33% cảm thấy giận dữ nhưng bất lực, cho rằng lẽ ra các em nên làm gì đó nhưng đã không dám làm; 24% cho rằng việc đó chẳng liên quan gì đến các em; điều này nếu kéo dài và lặp đi lặp lại sẽ tạo nên một nhóm người vô cảm trước những bất công hay nỗi đau của người khác [6].
    Nhiều nghiên cứu thực hiện ở các nước Bắc Mỹ, một số nước Châu Âu, và Châu Á đã cho thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa hành vi thường xuyên bắt nạt người khác ở thời niên thiếu của một cá nhân với những hành vi phạm pháp hoặc thiếu khả năng duy trì những mối quan hệ tốt sau này khi trưởng thành [5]. Đồng thời, một em học sinh bị bắt nạt thường xuyên có thể đi đến tự tử hoặc nổi loạn để trả thù.
    Nghiêm trọng hơn là hậu quả của những hành vi bạo lực tình dục. Không chỉ tổn thương về thể chất, mà tổn thương tinh thần cũng rất khó khắc phục. Khủng hoảng tâm lý, suy sụp tinh thần, hoảng loạn, có xu hướng muốn tự tử, nhận thức lệch lạc về giới tính, ác cảm về vấn đề tình bạn – tình yêu hay nhận thức sai lầm về cuộc sống, muốn trả thù đời hoặc đi tìm sự quên lãng trong những tệ nạn khác là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tổn hại từ bạo lực tình dục ảnh hưởng lâu dài, dai dẳng, mà khi tuổi còn nhỏ, các em chưa hình dung được hết. Đến khi lập gia đình, trưởng thành thì nỗi ám ảnh này vẫn đeo bám, gây bất hạnh cho cuộc sống của nạn nhân.
    Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra kể cả thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến công việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời. Với những ảnh hưởng về mặt sức khỏe cùng với tâm lý lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, học sinh không thể học tập với kết quả tốt nhất có thể. Thậm chí, sự căng thẳng quá mức về mặt tâm lý có thể buộc học sinh kết thúc việc học của mình, hoặc cũng có thể vì gây ra hành vi bạo lực mà học sinh phải nhận kỷ luật đuổi học. Từ đó, tương lai của các em rẽ sang một bước ngoặt khác không mấy khả quan. Đặc biệt, những đứa trẻ có hành vi bạo lực, lạm dụng quyền hành từ khi còn nhỏ, khi lớn lên có thể mắc phải những hành vi tội ác nhiều hơn những đứa trẻ khác. Trẻ em liên lụy vào hành vi bạo lực dù ở vai trò này hay vai trò kia cũng đều có nguy cơ lạm dụng rượu, thuốc lá, và các loại ma túy.
    *Ảnh hưởng đến gia đình
    Những hành vi bạo lực học đường của học sinh sẽ không thể làm cho các bậc phụ huynh vừa lòng. Nếu con đánh nhau với bạn, bị nhà trường xử phạt, bị cha mẹ nạn nhân lên tiếng thì cách xử lý phổ biến nhất được các bậc cha mẹ lựa chọn là chửi mắng, trách móc, thậm chí là đánh đập con mình. Điều đó đồng nghĩa với việc họ gieo thêm vào đứa con của mình nỗi bực tức và làm nảy sinh mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Không khí gia đình sẽ trở nên căng thẳng hơn nếu như cha mẹ cứ đổ lỗi cho nhau về việc quản lý và giáo dục con. Không ai chịu nhận lỗi về mình, vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn với nhau chỉ vì con cái. Không những thế nếu những hành vi bạo lực của học sinh để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác thì gia đình phải mất thêm một khoản tài chính lớn để giải quyết hậu quả. Đó là chưa kể, gần đây có những vụ bạo lực học đường đã dẫn tới những cái chết thương tâm của những em học sinh vô tội. Nỗi đau đó đối với bất cứ gia đình nào cũng không thể bù đắp được. Trước thực trạng bạo lực học đường trở nên nghiêm trọng thì sự lo lắng của các bậc phụ huynh càng được đẩy lên cao. Không chỉ lo lắng cho việc học mà còn lo lắng cho sự an toàn của con cái, lo lắng cho tương lai và cả tính mạng của con mình.
    * Ảnh hưởng đến nhà trường
    Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm. Người lớn, cả thầy cô lẫn cha mẹ, có khi không hay biết, có khi xem đó như là một phần tự nhiên của tuổi mới lớn nên để các em tự giải quyết (trừ khi những hành vi này đi đến thái quá) mà không biết rằng những hành vi bạo lực được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây ra những tổn thương thể chất hoặc tâm lý cho nạn nhân, và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường học tập chung vì các em học sinh không cảm nhận được sự an toàn ngay trong chính ngôi trường của mình. Đã có không ít học sinh từ chối đến trường vì sợ bị bạn bè trêu chọc, đánh đập. Điều đó cho thấy môi trường nhà trường không còn tính lành mạnh, sự hấp dẫn và là nỗi sợ hãi của học sinh.
    Ngoài ra, những hành vi bạo lực học đường của học sinh sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích thi đua của lớp, của trường và ảnh hưởng đến danh tiếng của nhà trường cũng như các thầy cô. Cũng không quên nói tới những hành vi bạo lực của giáo viên làm cho môi trường giáo dục ở nhà trường mất đi tính quy phạm, uy tín, danh dự người giáo viên bị hạ thấp và tất nhiên hiệu quả dạy học sẽ không thể đạt được như mong đợi. Đó là chưa kể, những hành vi bạo lực của giáo viên có thể làm cho học sinh có cảm giác lo lắng và sợ hãi khi đến tiết học của mình.
    * Ảnh hưởng đến xã hội
    Xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Nho giáo với những lễ nghi, phép tắc và chuẩn mực đạo đức. Chính nhờ những lễ nghi, phép tắc đó mà xã hội luôn được ổn dịnh. Những nét văn hóa ấy đã ăn sâu vào trong tâm thức của mỗi người dân Việt với sự tôn trọng lễ nghĩa giữa cha con, anh em, thầy trò, bằng hữu. Thế nhưng, kể từ khi đất nước chuyển hướng theo cơ chế kinh tế thị trường, cùng với đó là xu thế toàn cầu hóa, đất nước mở cửa hội nhập thì những nét văn hóa truyền thống đã dần thay đổi. Những chuẩn mực đạo đức quý giá ấy đã dần bị phai nhạt, thay vào đó là những nét văn hóa hiện đại, lai căng. Sự tiếp biến văn hóa là điều không thể tránh khỏi, thế nhưng để những nét văn hóa không phù hợp du nhập vào và làm lu mờ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp là những điều không nên. Giờ đây, có những học trò ngang nhiên cãi lại thầy, thậm chí đánh thầy ngay trên bục giảng đến mức ngất xỉu; bạn bè đánh đấm, đâm chém nhau xảy ra khá thường xuyên. Chính những hành động ấy đã càng làm lu mờ những nét văn hóa truyền thống của xã hội, thể hiện một sự suy đồi về mặt đạo đức và sự sai lệch về mặt hành vi một cách đáng báo động.
    Cùng với những ảnh hưởng tới văn hóa truyền thống của xã hội thì hành vi bạo lực chốn học đường cũng đã là một phần không nhỏ làm mất trật tự xã hội. Những vụ bạo lực học đường không chỉ xảy ra trong khuôn viên nhà trường mà phần lớn còn xảy ra ở bên ngoài nhà trường. Những vụ bạo lực học đường có thể là giữa một học sinh với một học sinh những cũng có thể là những hành vi “đánh hội đồng” và cả những vụ bạo lực học đường có sự tham gia của những người ngoài, vì thế sự mất trật tự xã hội mà nó gây ra không phải là nhỏ. Một khi những vụ bạo lực học đường diễn ra thì nó đã làm cho môi trường xã hội không còn tính lành mạnh, nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì sự “ô nhiễm môi trường xã hội” này sẽ ngày càng lan rộng và ảnh hưởng đến đời sống, văn hóa xã hội của cả một quốc gia.
              Có thể thấy rằng hậu quả của hành vi bạo lực học đường đang ngày càng hiển hiện trong đời sống tâm lý của học sinh, của gia đình, của nhà trường và xã hội, nó là hồi chuông cảnh báo cho những ai thực sự quan tâm đến thế hệ trẻ và tương lai của đất nước, sẽ còn tốn nhiều thời gian, công sức, của cải để chúng ta giải quyết vấn nạn bạo lực học đường. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần phải có nhận thức đúng đắn về vấn đề bạo lực  học đường, một quyết tâm cao độ đánh tan vấn nạn bạo lực học đường, của toàn ngành giáo dục, của các cấp liên ngành, của các lực lượng liên quan, của gia đình, nhà trường, của giáo viên và học sinh.


    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét